Lịch sử Chiếc_giày_vàng_châu_Âu

Từ năm 1968 đến năm 1991, danh hiệu được trao cho chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất tại bất kì giải đấu châu Âu nào. Quy định này không phụ thuộc vào tính khắc nghiệt của giải đấu cũng như số trận mà cầu thủ đó thi đấu. Trong thời gian này Eusébio, Gerd Müller, Dudu GeorgescuFernando Gomes là những cầu thủ 2 lần nhận được danh hiệu.[1] Sau một khiếu nại từ phía hiệp hội bóng đá Síp khi cho rằng một cầu thủ trong giải đấu của họ ghi được đến 40 bàn thắng, (mặc dù số liệu chính thức hai cầu thủ dẫn đầu ở giải đấu đó chỉ ghi được 19 bàn), L'Équipe đã ngừng trao giải từ 1991 đến 1996. Do sự chênh lệch giữa trình độ các giải đấu dẫn đến sự thiếu công bằng (giải đấu trình độ thấp hơn dễ ghi được bàn thắng hơn các giải đấu trình độ cao, như ở Romania, Síp) và cả sự nghi ngờ gian lận (như trường hợp Cămătaru của Romania), cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất mùa bóng 1990–91 là Darko Pancev của Nam Tư phải đến năm 2006 mới nhận được giải thưởng.

Kể từ mùa 1996-97, European Sports Media tiếp tục đứng ra trao danh hiệu này nhưng có bổ sung quan trọng là hệ số tính điểm đối với từng giải vô địch quốc gia, cho phép những cầu thủ ở các giải vô địch khắc nghiệt hơn giành chiến thắng ngay cả khi họ ghi ít bàn hơn một cầu thủ ở giải đấu thấp hơn. Hệ tính điểm được xác định bởi xếp hạng của giải vô địch theo hệ số UEFA, phụ thuộc vào thành tích thi đấu của các câu lạc bộ ở mỗi giải tại các giải đấu của UEFA trong năm mùa bóng. Số bàn thắng ghi được trong năm giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu theo danh sách hệ số được nhân với 2, số bàn thắng tại các giải đấu xếp hạng từ 6 đến 22 nhân với 1.5, còn số bàn thắng tại các giải đấu xếp hạng từ 22 trở xuống được nhân với 1.[2] Do đó, số bàn thắng tại các giải đấu hạng cao hơn sẽ tính nhiều điểm hơn số bàn tại các giải đấu hạng thấp hơn.[3] Và thực tế đã chứng minh cầu thủ ở những giải vô địch trình độ cao sẽ nhiều cơ hội giành Chiếc giày vàng hơn, khi từ năm 1996 đến nay, chỉ có 2 lần danh hiệu Chiếc giày vàng không thuộc về cầu thủ được nhân hệ số 2.